Chậm xanh hóa đã khiến ngành dệt may Việt Nam mất nhiều đơn hàng về tay các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ… Những kế hoạch “xanh hóa” được ngành dệt may đẩy nhanh hơn bao giờ hết, dù cần thời gian 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa nhưng đây là việc bắt buộc phải làm.

Ngành dệt may Việt Nam đã trải qua 5 tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may.

Do tổng cầu thế giới giảm dẫn đến sự sụt giảm đơn hàng của ngành dệt may. Nhưng ngược lại với sự sụt giảm đơn hàng của nghành dệt may Việt Nam, thì các nước khác như Bangladesh, Ấn Độ lại dồn dập các đơn hàng. Lợi thế cạnh tranh để các nước này “giật” đơn hàng chính là việc nhanh chóng xanh hóa các doanh nghiệp dệt may.

Năm 2023, Bangladesh có tới gần 90% nhà máy đạt chuẩn LEED (tiêu chuẩn sản xuất xanh cao nhất của Mỹ) và 500 nhà máy đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này. Còn Việt Nam, dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chỉ khoảng dưới 10% các nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED.

Điểm thứ hai là hiện nay, các quốc gia sản xuất đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong việc thu hút đơn hàng. Một trong những nhà đầu tư hiện nay họ có tâm lý phân tán rủi ro, đặc biệt sau Covid-19. Vì vậy họ sẽ đầu tư và mở nhà máy ở các nước khác như Ấn Độ, Bangladesh. Điều đó cũng khó khăn cho Việt Nam trong thu hút đơn hàng.

Yêu cầu xanh hóa được ví “nước đến chân” với ngành dệt may, khi ngành này đối diện với tình trạng cắt đơn hàng nếu không đáp ứng tiêu chí xanh trong sản xuất.

Hiện nay chưa có quy định pháp lý cụ thể về tiêu chí xanh trong các sản phẩm dệt may, nhưng một khi đã là xu thế thì các quốc gia phát triển sẽ tiến tới luật hóa. Đó là lý do cả người mua hàng và nhà sản xuất trên thế giới đều chạy đua để xanh hóa, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung khi khi các tiêu chuẩn xanh được luật hóa. Nhà cung cấp càng thoả mãn nhiều các yếu tố xanh thì càng được ưu tiên hơn.

Đó là lý do mà các doanh nghiệp dệt may cần phải xanh hóa các sản phẩm dệt may và thời trang. Đây được xem là “vũ khí” cạnh tranh mới trong giai đoạn bùng nổ kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Để đạt được điều đó các doanh nghiệp dệt may cần đầu tư xây dựng nhà máy đạt chuẩn LEED. đây là một tiêu chuẩn gồm rất nhiều quy định, không chỉ đảm bảo sản xuất xanh mà còn có các tiêu chí về an toàn trong sản xuất, đảm bảo sức khỏe và tâm lý cho người lao động. Điều này đặt ra bài toán cho các nhà máy khi phải cân bằng giữa khả năng tài chính, thực trạng hoạt động và chạy theo xu hướng.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần cần lộ trình 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa để dịch chuyển xanh hóa sản xuất. Bài toán này không chỉ là áp lực riêng đối với các lãnh đạo doanh nghiệp, mà cũng là áp lực đối với các cơ quan quản lý nhà nước tham gia.

Nguồn: https://doanhnhantrevietnam.vn